Xem chi tiết bài viết - Xã Trung Nam - Vĩnh Linh

Chuyển đổi số

Truyền thanh thông minh - Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  10:3, Thứ Tư, 31-1-2024

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã dần chuyển đổi từ hệ thống truyền thanh cũ sang hệ thống truyền thanh thông minh, đây là giải pháp chuyển đổi số cho truyền thanh cơ sở. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại cơ sở.

 

Có thể nói rằng, hệ thống truyền thanh tại cơ sở là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí khi truyền dẫn, tiếp sóng các đài Trung ương, địa phương để đưa thông tin đến người dân. Trước đây, truyền thanh hữu tuyến hoặc FM luôn bị giới hạn về khoảng cách, không phát được đến các địa bàn xa xôi, hẻo lánh do dây dẫn không thể kéo đến nơi hoặc địa hình đồi núi chia cắt, công suất máy phát không đáp ứng, thiết bị cồng kềnh. Nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở, rút ngắn về khoảng cách, thúc đẩy nhu cầu thụ hưởng thông tin, tuyên truyền giữa các vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngày 30/8/2021, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc đầu tư nâng cấp Đài truyền thanh cơ sở.

 Trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông mới thay thế cho hệ thống FM truyền thống sử dụng thu phát qua hệ thống cột ăng ten trước đây. Hệ thống loa được lắp đặt 89 cụm tại thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ. Truyền thanh thông minh hoạt động trên giải pháp công nghệ truyền tải tín hiệu âm thanh thông qua Internet từ sim điện thoại 3G/4G, được tích hợp vào bộ phận thu để phát tín hiệu phát thanh. Ưu điểm của hệ thống này là sử dụng phần mềm, cài đặt ứng dụng đồng thời trên cả 2 hệ điều hành IOS và Android. Mỗi Đài Truyền thanh cơ sở được cấp các tài khoản để đăng nhập, quản lý, giám sát, vận hành tùy theo phân cấp. Hệ thống loa được điều khiển, giám sát, phát trực tiếp từ xa bằng Smartphone một cách linh hoạt, mọi lúc mọi nơi.

Tại thành phố Đông Hà, hệ thống truyền thanh thông minh được đầu tư hoàn chỉnh gồm 40 cụm thu với 99 loa trên địa bàn 9 phường. Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, truyền thanh thông minh đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Việc ứng dụng công nghệ số trong truyền thanh đã thu gọn được hệ thống máy móc cồng kềnh, việc phát các bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần. Nhờ đó nâng cao chất lượng tuyên truyền, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hải Phi, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT - TDTT thành phố Đông Hà cho biết: “Được sự quan tâm của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, từ tháng 4/2022, hệ thống phát thanh thông minh ứng dụng trên nền tảng công nghệ số 4.0 được lắp đặt và đưa vào hoạt động tại thành phố Đông Hà. Sau khi đưa vào hoạt động, tôi nhận thấy đây là một ưu điểm lớn về công nghệ trong việc phát triển báo chí, truyền thông. Không cần lắp đặt ăng ten, dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và điều chỉnh âm lượng từng bộ thu trên hệ thống loa phát thanh. Qua đó giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài”.

Cùng với nhiều địa phương trong toàn tỉnh, huyện đảo Cồn Cỏ sớm được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh. Với đặc thù là huyện vùng hải đảo tiền tiêu của Việt Nam thuộc vùng biển Quảng Trị, do đó công tác tuyên truyền các chủ trương, quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của biển đảo và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng tâm, cần được đẩy mạnh. Từ khi được đầu tư và lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, người dân nơi đây kịp thời nắm bắt những thông tin, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương để triển khai thực hiện kịp thời. Qua đó, người dân tích cực tham gia vào các hoạt động của Đảng bộ, chính quyền cơ sở, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển và giữ vững an ninh trật tự, trên địa bàn.

Anh Nguyễn Vinh Hưng, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh của huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ: “Cồn Cỏ là một đảo xa do đó việc tiếp cận các thông tin cũng rất hạn chế. Kể từ khi đài truyền thanh thông minh đi vào hoạt động không chỉ giúp cán bộ phụ trách giảm áp lực và xử lý công việc chuyên môn nhanh gọn hơn mà còn dễ khắc phục sự cố. Cùng với đó, nhờ phương thức truyền dẫn âm thanh qua Internet, vào những ngày thời tiết thay đổi thất thường, mưa bão,…tôi có thể vận hành, điều chỉnh hệ thống chỉ với điện thoại thông minh, máy tính để thông báo các bản tin về thời tiết cũng như các phương án ứng phó với thiên tai để giúp người dân tránh trú an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”.

Đến nay, hệ thống truyền thanh thông minh là giải pháp được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, tích cực triển khai thay thế hệ thống truyền thanh truyền thống và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng công tác truyền thanh của địa phương. Một điểm quan trọng là hệ thống truyền thanh thông minh sử dụng phần mềm thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã, các cấp có thẩm quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thông tin, chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai đầu tư, lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền thanh cấp huyện sử dụng công nghệ thông minh cho 7 huyện còn lại trên địa bàn tỉnh gồm Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hoàn cho biết: “Quảng Trị là một trong những tỉnh thành trong cả nước sớm quan tâm đầu tư mô hình hệ thống truyền thanh thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên lĩnh vực thông tin cơ sở, giúp chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Do đó, mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, trong nước bằng nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa. Trước mắt cần ưu tiên đầu tư thêm cho các xã đang vận hành thử nghiệm để đồng bộ hệ thống và những xã vùng sâu vùng xa, xã về đích nông thôn mới trong toàn tỉnh”.

Có thể nói, truyền thanh cơ sở từ lâu được xem là kênh thông tin quan trọng, có sức mạnh chuyển tải thông tin đến với người dân trên diện phủ sóng rộng rãi nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất. Việc triển khai xây dựng Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Quảng Trị.

Bài và ảnh: THANH HẰNG

CÁC TIN KHÁC

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH